Hoá chất tẩy rửa vệ sinh dùng trong nhà có nguy cơ gây hại đến người tiêu dùng

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Quả đúng như vậy, giữ gìn vệ sinh là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất giúp chúng ta bảo vệ sức khoẻ. Với vô số các hoá chất tẩy rửa vệ sinh dùng trong nhà đang được bày bán trên thị trường, các bà nội trợ ngày nay đã phần nào đỡ vất vả trong công việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ. Thông thường khi sử dụng các loại sản phẩm này, không mấy người tỏ ra nghi ngại bởi tâm lý chủ quan cho rằng chúng đã được kiểm định và lưu hành thì cũng có nghĩa là tuyệt đối an toàn đối với sức khoẻ con người. Quan niệm này đúng hay sai?

Mời quý vị cùng tìm hiểu ý kiến của giới chuyên môn trong chương trình hôm nay, qua cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành y, hiện đang hành nghề tại Hoa Kỳ:

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Nói rằng các chất tẩy rửa hoàn toàn an toàn thì chúng tôi xin phép không đồng ý. Trong các loại tẩy rửa đều có chứa các hoá chất tổng hợp. Hiện nay có khoảng 70 ngàn hoá chất được sử dụng trong việc vệ sinh trong gia đình, và những hoá chất đó về sau này có thể gây ra một số bệnh. Nói tóm lại không thể nào có sự an toàn tuyệt đối. Nhiều nguy cơ

Trà Mi: Như vậy những nguy cơ từ các loại hoá chất tẩy rửa dùng trong gia đình đối với sức khoẻ con người là gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Có rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người khi tiếp xúc. Khi một chất lạ nào đó xâm nhập vào cơ thể thì cơ thể sẽ phản ứng bằng nhiều cách khác nhau. Khi các hoá chất này vào cơ thể với liều lượng khá cao thì có thể gây ảnh hưởng đến tâm trí (nhiều người khi hít phải những hơi độc thì cảm thấy ngây ngất, bị kích thích). Khi nó tác động đến hệ tiêu hoá thì có thể gây ra sự rối loạn tiêu hoá, gây buồn nôn, ói mửa và ăn không ngon. Làn da chúng ta khi tiếp xúc với các loại hoá chất đó cũng có thể bị kích thích, viêm da, nặng hơn thì đưa tới trường hợp ung thư da. Ngoài ra còn những ảnh hưởng tai hại khác khi chúng ta tiếp xúc lâu dài với những hoá chất tẩy rửa như rối loạn sinh dục, khuyết tật cho trẻ khi bà mẹ mang thai, hoại huyết hay các trường hợp ung thư.

Trà Mi: Bác sĩ có thể nêu ra vài ví dụ về các loại hoá chất nào được xem là tương đối an toàn, và những loại nào có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Các chất tẩy rửa trong bếp như chất rửa chén, chất dùng để lau bàn, lau bếp; hay các chất dùng vệ sinh nhà tắm thường có chứa hoá chất benzyl, polyetylen, hay sodium hypochlorite thường thấy trong nước javen; hoặc những chất chlorine đó là những chất được xem là có hại cho sức khỏe. Mức độ hại nhiều hay ít tuỳ theo hàm lượng, nồng độ của hoá chất ấy trong dung dịch chúng ta sử dụng. Hàm lượng, nồng độ càng cao thì tác hại càng nguy hiểm hơn. Bây giờ, các nhà khoa học đều khuyên là chúng ta có thể sử dụng những chất thay thế tương đối nhẹ hơn, ít tác hại hơn như washing soda, borax. Những chất này tuy cũng là hoá chất, nhưng ít gây tác hại cho sức khoẻ hơn

Riêng đối với bà con ở Việt Nam, chúng tôi xin đề nghị một giải pháp là dùng chanh hoặc giấm thay thế. Trong trái chanh có chứa citric acid có thể tẩy rửa những mùi hôi hay vết dơ. Còn giấm chua thì có tác dụng rất tốt trong việc đánh bóng kim loại, tẩy mùi, rửa các chất béo dính trên bát đĩa. Pha một thìa nước chanh hay giấm chua với một lít nước là chúng ta sẽ có một dung dịch tẩy rửa rất tốt. Nước Javen có chứa các hoá chất giúp khử trùng và tẩy màu, nhưng sử dụng lâu ngày và nhất là tiếp xúc với da nhiều quá thì có thể gây viêm da. Nếu không may trẻ em hay người lớn uống phải thì có thể gây loét cuống họng. Cho nên, cần hết sức cẩn thận khi sử dụng javen, nên giữ trong một bình kín, tránh ánh nắng và hơi nóng. Không nên pha javen với nước nóng vì có thể gây ra một phản ứng hoá học không tốt. Giấm pha nước cũng có tác dụng tẩy trùng tương tự như Javen mà ít rủi ro, nên có thể dùng thay thế.

Trà Mi: Dung dịch giấm pha nước có thể áp dụng cho việc tẩy rửa nhà vệ sinh không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Cũng được vì trong đó có chứa các acid. Nếu chúng ta cho một chút nước giấm vào trong cầu vệ sinh cũng có thể tiêu diệt được các vi khuẩn và vi sinh vật trong đó. Hàng ngày hoặc cách hai, ba ngày, chúng ta nên dùng cọ lau chùi cầu và xả nước sạch để tiệt trùng, tránh được các bệnh do các vi khuẩn trong cầu gây ra.

Trà Mi: Có một sản phẩm mà nhiều hộ gia đình Việt Nam rất thích sử dụng. Đó là long não, thường được để trong tủ quần áo và nhà tắm để khử mùi thơm. Xin hỏi bác sĩ các loại long não có tác dụng và tác hại ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Long não thật ra nguyên chất được chiết suất từ cây long não là một loại cây có mùi thơm có thể xua đuổi gián, bọ. Trong hơi long não có chất kích thích, khi chúng ta hít lâu thì có thể bị khó thở, nhất là đối với trẻ em. Ngoài ra, long não nếu bị dính lên da có thể gây ngứa ngáy. Tuy nhiên, nếu để long não trong các tủ quần áo mà không tiếp xúc thường xuyên thì không có hại, mà có tác dụng tránh được mốc meo.

Trà Mi: Trở lại với các loại hoá chất tẩy rửa vệ sinh trong nhà, xin được hỏi bác sĩ mức độ tiếp xúc như thế nào được coi là bảo đảm sức khoẻ và như thế nào được coi là nguy hại?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Thật ra, các độc chất sẽ gây tác hại không tốt cho sức khoẻ khi chúng ta tiếp xúc lâu ngày, tiếp xúc trực tiếp lên da hay hít trực tiếp. Nếu chúng ta sử dụng với mức độ vừa phải thì không sao.

Trà Mi: Mức vừa phải mà bác sĩ vừa nói có thể là một tuần/lần hay một tuần hai lần thì có thể chấp nhận được không?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Một tuần 1, 2, hay 3 lần đều có thể chấp nhận được nếu trong khi sử dụng chúng ta đề phòng. Ví dụ như đối với javen, chlorine, benzyl thì nên dùng bao tay để tránh tiếp xúc với da và đeo khẩu trang để tránh hít trực tiếp các chất này.

Trà Mi: Những đối tượng nào cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng các loại hóa chất vệ sinh trong gia đình?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức:

– Thứ nhất là trẻ em. Các em có thể hít vào hay uống nhầm phải hoá chất. Cơ thể của các em chưa loại bỏ được các độc chất trong cơ thể hữu hiệu như người lớn. Cho nên đây là đối tượng cần hết sức lưu ý. Đối tượng thứ hai là các cụ cao niên, sức đề kháng giảm nên tiếp xúc với độc chất lâu ngày rất nguy hại. Đối tượng thứ ba là các phụ nữ mang thai. Thai nhi rất cần sự bảo vệ của người mẹ đối với môi trường xung quanh. Nếu có một yếu tố ảnh hưởng xấu lên người mẹ thì cũng tác động trực tiếp lên đứa bé. Vấn đề chính là khi mua các sản phẩm tẩy rửa cần đọc kỹ lời cảnh báo và hướng dẫn sử dụng trên nhãn.

– Thứ hai, chỉ cần mua vừa đủ nhu cầu sử dụng.

– Thứ ba, nên lựa các loại hoá chất ít gây rủi ro.

– Thứ tư, nên cất giữ hoá chất ở chỗ cao, xa tầm với của trẻ em, nên cất đựng trong bình nguyên thủy, đậy nút kỹ, khi sử dụng các chất tẩy rửa cần tránh xa thức ăn, và chỉ dùng liều lượng vừa phải khi cần thiết.

shoppingShop online
Liên hệ ngay với chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!